Nỗi buồn của than

Theo số liệu được đăng tải trên tờ báo chuyên về kinh tế uy tín hàng đầu trong nước cho hay, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) nợ đến 100.000 tỷ đồng trong tổng tài sản 138.000 tỷ đồng.


Ngành khai thác “vàng đen” đình đám một thời nay để lại nỗi buồn chưa biết khi nào mới nguôi ngoai.
Có thể kể ra một vài địa chỉ như: Tổng công ty Điện lực TKV lỗ luỹ kế 828 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do phát sinh chênh lệch tỷ giá ngoại tệ lớn; Công ty Cổ phần Vận tải thuỷ lỗ 139 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hoá lỗ 115 tỷ đồng; Công ty Đóng tàu Sông Ninh lỗ 90,3 tỷ đồng; Công ty Liên doanh Aluminna (Campuchia – Việt Nam) lỗ 69,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Than Tây Nam Đá Mài lỗ gần 70 tỷ đồng…
Bức tranh xám màu của nền kinh tế mấy năm qua có “đóng góp” không nhỏ từ ngành khai thác khoáng sản. Nhiều chuyên gia kinh tế, học giả có uy tín vẫn ngạc nhiên chẳng hiểu vì sao một ngành kinh tế đặc thù cả rừng ưu đãi, chỉ việc đào lên bán lại thua lỗ một cách khủng khiếp.
Vì là ngành đặc thù nên hệ quả để lại cũng mang tính… đặc thù, dẫu có rút kinh nghiệm hay quy trách nhiệm cho ai đó thì tài nguyên thiên nhiên cũng đã bán xong xuôi, không có cơ hội thứ hai để sửa chữa. Than được coi là nguồn tài nguyên không thể tái tạo vì thời gian hình thành một mỏ than mất hàng triệu năm vận động địa chất.
Vấn đề là phải làm sao khi đất nước chưa “hóa rồng” mà tài nguyên khoáng sản gần như cạn kiệt, bài toán vô cùng hóc búa cho thế hệ tương lai. Trong khi cuộc cách mạng 4.0 đã ngấp nghé ngoài cửa mà trong nhà vẫn trống hoác, tìm kiếm tiềm lực ở đâu để tiếp nhận?
Chuyển giao công nghệ được xem là giải pháp tốt để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Tuy nhiên, để tiếp nhận được công nghệ không phải chuyện đơn giản, trước hết luôn cần cái gật đầu đồng ý từ các nước phát minh ra công nghệ ấy, sau đó bên tiếp nhận cũng phải có nội lực đủ “thâm hậu” để vận hành, thậm chí cải tiến, nâng cấp… đi đến làm chủ.
Có như vậy quá trình chuyển giao công nghệ mới được coi là thành công, bằng không ta chỉ có nhân công giá rẻ, lao động phổ thông, ít hoặc không tham gia vào quá trình điều hành thì có lúc tiếp nhận nhầm công nghệ lạc hậu, trở thành bãi rác cho các nước phát triển.
Tại phiên họp thường kỳ 3/2017 của Chính phủ diễn ra hôm 3/4, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ bày tỏ lo lắng vì GDP Qúy I tăng trưởng chậm. Điều này một phần phụ thuộc vào nền công nghiệp gia công là chủ yếu. Hiển nhiên, dù nhân công khéo léo đến đâu, đảm nhiệm phân khúc cao cấp cỡ nào thì chuỗi lợi ích kiếm được vấn nhỏ giọt. Vì khâu quan trọng nhất là sáng tạo, thiết kế, công nghệ do các tập đoàn nước ngoài quản lý.
Nhìn rộng ra cả nền kinh tế, gia công đã lấn sang lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi. Ưu điểm chủ đạo nhất của nông nghiệp gia công là tính ổn định cao, không sợ điệp khúc “được mùa mất giá” nhưng cái hại nhất là rơi vào trạng thái “nghèo bền vững”.
Một nền kinh tế gia công luôn có bề ngoài rất hào nhoáng, mọi sản phẩm đẳng cấp toàn cầu đều có thể ghi “Made in Viet Nam”, người lao động có việc làm đều đặn, thu nhập bình bình. Nhưng nếu cứ bị “ru ngủ” bởi gia công thì đến bao giờ mới có bước thần kỳ, hay nhảy vọt…?
Và suy cho cùng, mọi sự phát triển phải đều tự thân vận động là chính, mà muốn phát triển đột phá phải có những cái mà thiên hạ không ai có, những cái như thế không ai cho mình được nên phải tự sáng tạo, phát minh.
Chuyện của than và tài nguyên thiên nhiên xem ra còn dài dòng văn tự, cũng bởi vì nó là con át chủ bài trong nền kinh tế. Một khi con át chủ ốm yếu bệnh tật sẽ nảy sinh hiện tượng “hội chứng miễn dịch mắc phải”. Tức là hệ quả chui từ trong ra chứ không phải từ ngoài vào. Những cú lỗ của than còn tác động đến nợ công, nợ xấu, thuế, phí và an sinh xã hội.
theo báo diễn đàn doanh nghiệp..
Để ủng hộ chúng tôi các bạn hãy ghé thăm rao vat quang ninh

No comments